Quy định về đạo đức nghiên cứu và chống đạo văn

                                                                   QUY ĐỊNH VỀ ĐẠO ĐỨC NGHIÊN CỨU

Đối với tác giả

1. Tác giả phải đảm bảo những kết quả nghiên cứu mới và chưa từng được công bố. Tác giả bài báo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp và bản quyền của bài báo.

2. Tác giả phải trích dẫn rõ ràng và chi tiết những ý tưởng, kết quả nghiên cứu của các công trình nghiên cứu hoặc tài liệu của các tác giả khác đã được công bố trong và ngoài nước; phải đảm bảo việc sử dụng các dữ liệu đã được sự đồng ý của các cá nhân hay tổ chức sở hữu các dữ liệu này. Các công trình nghiên cứu hoặc tài liệu của các tác giả khác phải được liệt kê đầy đủ trong phần “Tài liệu tham khảo”.

3. Tác giả phải tuân thủ các quy định về thể lệ đăng bài trên Tạp chí NCKH&PT; chỉnh sửa, bổ sung bài viết, làm rõ nội dung và hoàn thiện bài báo theo yêu cầu của phản biện và của biên tập viên.

4. Đồng tác giả xuất hiện trong bài báo phải là người (hoặc những người) thực sự tham gia vào việc viết bài báo.

5. Tác giả phải đưa ra bằng chứng chứng minh kết quả nghiên cứu là chính xác, không bị chỉnh sửa hoặc cố ý làm sai lệch.

6. Tác giả phải chịu trách nhiệm về những dữ liệu nghiên cứu có khả năng gây ra xung đột lợi ích trong bài báo của mình.

7. Trong quá trình nghiên cứu và khi trình bày kết quả nghiên cứu (dưới dạng một bài báo khoa học), tác giả không có những biểu hiện gây tổn thương đến những người yếu thế trong xã hội.

Đối với biên tập viên

1. Một trong những nhiệm vụ của biên tập viên là đánh giá chất lượng của các bài báo được gửi đến Ban biên tập.

2. Biên tập viên có nghĩa vụ kiểm tra đạo văn bằng cách sử dụng một phần mềm đáng tin cậy để đảm bảo tất cả các bài báo đăng trên tạp chí đều không vi phạm các quy tắc về đạo văn, không sao chép các bài báo khác.

3. Nếu phát hiện hiện tượng đạo văn, Biên tập viên phải tạm dừng quá trình thẩm định và liên hệ ngay với tác giả để yêu cầu giải thích. Nội dung giải thích của tác giả là cơ sở để đưa ra quyết định chấp nhận hoặc từ chối bài viết.

4. Biên tập viên không được tiết lộ bất kỳ thông tin cá nhân nào của tác giả hoặc chuyên gia phản biện cho những người không liên quan trong quá trình đánh giá bài báo.

5. Sau khi đã hoàn tất các quá trình thẩm định bài báo, biên tập viên lựa chọn các bài báo đăng trên Tạp chí NCKH&PT. Việc lựa chọn phải dựa trên giá trị đóng góp của bài báo, tính mới và tính nhất quán của nội dung bài báo cùng các quy định, các chính sách của Tạp chí.

6. Biên tập viên không được có xung đột lợi ích với tác giả hoặc chuyên gia phản biện bài báo.

Đối với chuyên gia phản biện

1. Chuyên gia phản biện phải tuyệt đối giữ bí mật về tất cả các dữ liệu được tác giả bài báo đưa ra.

2. Sau khi nhận được bài báo từ Ban biên tập, chuyên gia phản biện có thể thông báo cho biên tập viên hoặc từ chối phản biện nếu họ cho rằng có xung đột lợi ích, chẳng hạn như đã tham gia dự án, quen biết cá nhân với tác giả hoặc bất kỳ lý do nào khác mà có thể ảnh hưởng đến quá trình phản biện.

3. Chuyên gia phản biện cần chỉ rõ tài liệu nào tác giả chưa trích dẫn, tài liệu nào quan trọng và phù hợp với bài báo phản biện. Ngoài ra, nếu phát hiện nội dung bài báo phản biện giống với một tài liệu khác, chuyên gia phản biện phải thông báo kịp thời cho biên tập viên.

4. Chuyên gia phản biện chỉ được phản biện các bài viết thuộc lĩnh vực chuyên môn và phải đánh giá dựa trên giá trị của nội dung, chất lượng phân tích và tính tập trung của bài báo.

5. Chuyên gia phản biện không nên đánh giá bài viết dựa trên tính cách hoặc ý kiến ​​​​cá nhân mà không có luận cứ, luận chứng đáng tin cậy.

 

                                                                   QUY ĐỊNH VỀ CHỐNG ĐẠO VĂN

Bài báo khoa học của tác giả gửi đến Tòa soạn phải đảm bảo điều kiện không vi phạm quy tắc về đạo văn, không sao chép kết quả nghiên cứu từ các bài báo, từ các công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố.

Sau khi nhận được bài báo khoa học của tác giả, Biên tập viên có trách nhiệm kiểm tra đạo văn và tỷ lệ trùng lặp về nội dung của bài báo. Biên tập viên có nghĩa vụ liên hệ với tác giả để yêu cầu giải thích hoặc từ chối bài viết khi phát hiện hiện tượng đạo văn hoặc khi tỷ lệ trùng lặp về nội dung của bài báo vượt quá 20%.